Mùa Gặt Cỏ Bàng 2025 – Khi ngọn cỏ hóa nhịp cầu hồi sinh làng nghề

“Gặt không chỉ cắt – mà là giữ

Giữ Bàng – giữ nghề – giữ làng!

Để mỗi sợi Bàng không chỉ là cỏ, mà là cầu nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai. Một sự sống được trao truyền. Một giá trị được kế thừa.”

Những ngày này, hễ cứ đến Thời sự 19h, gia đình dì Liên lại ngồi dán chặt mắt vào bản tin Dự báo thời tiết. Chỉ cần nghe thấy “ngày mai trời nắng mạnh” là lại nhìn nhau, cười một cái thiệt tươi. Được rồi, mai dậy sớm đi gặt Bàng!

Chưa tới 5 giờ sáng, khi mặt trời còn chuẩn bị ưỡn mình ló dạng, từng tốp người đã lật đật bước ra khỏi nhà, tay xách liềm, vai vác gánh, đầu đội nón lá – sẵn sàng cho một ngày dài giữa đồng.

Mùa gặt cỏ Bàng – Giữ lấy nghề, giữ lấy làng

Phò Trạch – một làng nhỏ phía Bắc Huế, cỏ Bàng không chỉ là loài mọc dại, mà là “lộc trời” gắn bó với đời sống người dân. Bàng mọc ở vùng đất thấp, ngập nước quanh năm. Dưới chân là bùn sình nhão nhẹt, có chỗ lội tới đầu gối. Trên đầu là nắng chang chang, bên tai là tiếng bàng xào xạc như ru.

Những ngày đầu tháng Tư, làng Phò Trạch như bừng tỉnh bởi nắng. Nắng tháng này không giống nắng tháng kia. Phải nắng kiểu này, nắng hanh ròng, nắng rát mặt, thì mấy chú, mấy dì mới yên tâm xốc cuốc ra đồng gặt Bàng. Với người dân làng nghề, mùa Cỏ Bàng là mùa của tất bật, của hy vọng và cả… hồi hộp. Không phải ai cũng hiểu, để có được một vụ Bàng đẹp, người dân phải canh thời tiết từng ngày. Trời phải nắng thiệt hanh, không mưa giông thất thường, thì mới dám gặt. Gặt rồi lại phơi. Phơi rồi phải canh gió, canh cơn mưa rào bất chợt. Một cơn mưa trái mùa thôi cũng đủ làm hỏng cả lứa Bàng đang khô dở dang trên sân.

Cánh đồng Bàng nhìn thì yên ả như tranh vẽ nhưng gặt thì không phải chuyện nhẹ nhàng. Bàng mọc ở vùng đất thấp, ngập nước quanh năm, có chỗ lội xuống tới đầu gối. Dưới chân là đất mềm nhão, đi không quen là hụt chân, té ngửa. Đã vậy, Bàng không mọc thưa. Bàng mọc rậm và cao quá đầu người, cành nhọn vươn lên như muốn chạm nắng. Đi giữa đồng bàng là phải rẽ từng vạt cỏ như mở đường giữa rừng nhỏ, chỉ cần lơ đễnh, gương mặt dễ bị những nhánh gai cào xước, rát y như mới quẹt phải gai tre. Người gặt phải dùng liềm bén, cắt sát gốc từng bụi, rồi bó lại thành từng chùm to. Một bó Bàng trung bình nặng chừng chục ký – nhưng mang giữa trời nắng 36, 37 độ, lội nước lút chân, thì chẳng khác gì vác cả mặt trời trên lưng.

“Gặt phải tranh thủ sớm đó con, không thì nắng lắm, nước dưới chân nóng hổi. Có bữa mồ hôi ra mà khô luôn trên da.”– dì Quý cười, tay vắt lại búi tóc sau nón, mắt vẫn nhìn ra đồng. Da tay chú, dì rám nâu, đầu ngón nứt khô, nhưng dịu dàng khi vuốt từng sợi Bàng.

Chân chú Thành bị đĩa cắn, máu rịn đỏ lòng bàn chân, vậy mà vẫn bảo: “Không răng mô, chú quen rồi, máu này nuôi được mấy bó Bàng đẹp đó nghe!”. Ấy là cách người làng nói về nghề – bằng sự giản dị, bền bỉ và một tình thương không lời.

Mỗi ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng. Trời chưa kịp sáng rõ, chú dì đã xách đồ ra đồng, mang theo một ít bánh, khay nước trà và vài cái khăn ướt. “Gặt sáng sớm mới đỡ bị cháy da,” chú nói vậy, nhưng khi trời ngả nắng, ai nấy cũng đầm đìa mồ hôi. Áo thấm nước, mũ lá ướt rượt, chân lấm bùn mà tay vẫn miết đều từng nhát cắt.

Vậy mà ai cũng cười. Vui lắm. Vui vì năm nay Bàng được mùa. Vui vì có đơn hàng từ sớm, vì mấy đứa nhỏ trên Huế nhắn về “mẫu này bán chạy lắm”, vì biết chắc sản phẩm mình làm ra sẽ có chỗ đứng. Không như trước – làm xong chất đống, chờ người mua như trông mưa giữa mùa khô.

“Hồi trước, làm ra xong không biết ai mua. Giờ làm là biết có đơn, có người đặt, có sản phẩm mang ra nước ngoài. Vui chớ sao không.”

Và thế là, trong cái nắng cháy da, trên cánh đồng Bàng xào xạc, vẫn rộn ràng tiếng cười. Không phải tiếng cười nhẹ nhõm, mà là tiếng cười mang theo niềm tin – rằng có người trẻ đang chờ những sợi cỏ này “hóa thân” thành sản phẩm đẹp đẽ, được nâng niu.

Một nghề xưa – một tinh thần mới

Gặt xong chưa phải đã xong. Bàng mang về phải trải đều ra sân, lớp nào ra lớp đó, phơi đúng nắng, canh đúng gió. Từng sợi Bàng được dì trải xòe hình cánh quạt phủ đầy khoảng sân. Những đứa nhỏ trong nhà cứ tíu tít chạy quanh bà, chân trần lướt nhẹ trên nền sân nóng hổi. Chúng chạy ra, rồi lại chạy vào xem hoạt hình, xem chừng một chút lại chạy vụt ra với bà – như thể sân phơi Bàng là một phần của tuổi thơ chúng, sống động và ngập nắng.

Mỗi công đoạn đều có bàn tay người nhào nặn: vuốt – lọc – đập dẹt cỏ. Từng bó cỏ được phân ra từng loại theo độ non già, theo màu và dài ngắn khác nhau để tận dụng ở các sản phẩm khác nhau. Ngọn cỏ từ lam lũ giờ sắp hóa thân thành túi xách, thành nón, thành charm đẹp đẽ mà vẫn nguyên hồn đất quê. Tại đây những sản phẩm mang giá trị bản sắc Việt dần thành hình!

Mùa Gặt Cỏ Bàng 2025 – Niềm tin trở lại

Có thời, tưởng chừng nghề đan lát từ cỏ bàng sẽ lụi tàn. Bàng vẫn mọc, nhưng người thì dần rời làng. Giới trẻ không còn mặn mà với những sợi cỏ lam lũ. Làng nghề trở nên lặng lẽ, như con nước mùa khô.

Rồi tụi nhỏ về.

Maries – thương hiệu của người trẻ mang hồn cốt làng nghề – bắt đầu thắp lại niềm tin. Không chỉ bao tiêu sản phẩm, mà còn đồng hành: tập huấn mẫu mới, chọn màu phối chất liệu, cùng nhau tìm cách làm cỏ bền hơn, sản phẩm đẹp hơn.

Giờ đây, mỗi bó bàng là một cơ hội. Người làng tranh thủ gặt, mua thêm, tích trữ. Nhà nào cũng sáng rỡ. Có đơn đặt sẵn. Có mấy đứa nhỏ từ phố gọi về:

“Lô này ra kịp không dì? Khách đặt rồi đó!” – Ai nấy càng thêm vui.

“Giờ thấy Bàng là ai cũng ham, cũng thích mua. Không như trước, lo làm xong không ai cần.” – Em Nguyệt cười, tay chỉ bó Bàng mới phơi. “Giờ đi gặt không mệt như xưa, vì có niềm tin. Niềm tin là có người chờ sản phẩm mình làm ra.”

Những chiếc túi, cái nón từ cỏ Bàng – giờ được người trẻ khắp nơi ưa chuộng. Họ yêu văn hoá, yêu quê hương, và muốn mang sự tự hào ấy khoe với bạn bè trong nước lẫn quốc tế. Từ Huế, Sài Gòn, Hà Nội đến Nhật, Pháp, Mỹ… Những sợi cỏ quê mùa giờ khoác lên mình hình hài mới – đẹp đẽ, hiện đại mà vẫn đậm hồn quê.

Trao Truyền – Kế Thừa

Trên mái hiên thơm nắng, cỏ khô dần – và những giấc mơ cũng được hong khô, sẵn sàng sống tiếp trong tay người khác, ở hành trình mới.

Giữ nghề không chỉ bằng tay, mà bằng tim, bằng khát khao nối tiếp.

Dì, mệ ngoài 60, 70 tuổi đang truyền lại từng kỹ thuật, bí quyết đan cho lớp trẻ. Những chị U40 đã thành thợ chính, vững tay nghề, còn hướng dẫn lại cho người mới.

Không khí làng nghề rộn ràng lạ. Tiếng gặt bàng, phơi bàng hoà cùng tiếng bàn chuyện mẫu mã, kiểu dáng. Mỗi người một tay, mỗi nhà một góc sân. Cỏ bàng trở thành lý do để mọi người xích lại gần nhau.

Maries không làm thay người làng – mà trao lại niềm tin rằng: nghề này đáng giữ, đáng sống cùng.

Mùa gặt cỏ bàng 2025 không chỉ là mùa thu hoạch, mà là mùa thức tỉnh. Ở đó, người trẻ chọn trở về. Doanh nghiệp chọn đồng hành. Người thợ chọn tiếp tục đan. Và những sợi cỏ, từ bàn tay làng Phò Trạch, lặng lẽ rời quê, mang theo hơi thở của đất, của người – để sống một đời sống khác, dài hơn, rực rỡ hơn.

Từng nếp gấp, từng đường đan không có trong sách vở – chỉ học được qua mắt nhìn, tay chạm, và tình yêu nghề. Một tài sản không thể bán, không thể vội – chỉ có thể truyền qua những mùa nắng gió.

Và một ngày nào đó, khi ai đó nâng trên tay một chiếc túi bàng, họ không chỉ mang theo một món đồ – mà còn mang theo cả một mùa nắng, một ngôi làng, và tiếng cười lặng lẽ của người thợ đan giữa sân quê.

“Để mỗi sợi Bàng không chỉ là loài cỏ ven đồng, mà là mạch sống len lỏi qua bàn tay người thợ – làm nên nhịp tim bền bỉ của một làng nghề đang hồi sinh.” 

Giờ hãy cùng Maries dạo bước qua mùa gặt bàng 2025 nhé 💚

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *