Xuất thân là một doanh nghiệp do nữ làm chủ, Maries luôn thấu hiểu sâu sắc những thử thách mà phụ nữ phải đối mặt để đạt được sự tự chủ về kinh tế và tốt hơn hết là tạo công ăn việc làm ổn định cho cộng đồng, cho những người phụ nữ yếu thế khác.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo điều kiện làm việc bình đẳng và bền vững cho phụ nữ, Maries là một trong số ít doanh nghiệp tại địa phương sớm ký cam kết ủng hộ Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ Toàn cầu (WEPs).
1, 7 Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs)
Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (Women’s Empowerment Principles – WEPs) là một sáng kiến của UN Women khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và được triển khai ở các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam từ năm 2020 – 2022 và nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ nhiều doanh nghiệp. Đây là năm thứ tư, UN Women và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI tổ chức chương trình này.
7 Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs) được tóm tắt như sau:
- Lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới.
- Đối xử công bằng giữa nam và nữ trong công việc – tôn trọng quyền và không phân biệt đối xử.
- Đảm bảo sức khoẻ, an toàn và lợi ích của nữ và nam lao động.
- Khuyến khích giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ.
- Thực hiện các hoạt động phát triển doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và marketing hướng đến tăng quyền năng cho phụ nữ.
- Thúc đẩy bình đẳng thông qua các sáng kiến và vận động cộng đồng.
- Đánh giá và báo cáo công khai về tiến bộ bình đẳng giới.
Theo báo cáo, phụ nữ chiếm gần một nửa dân số thế giới nhưng hiện chỉ đóng góp 37% GDP toàn cầu. Việc trao quyền cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào nền kinh tế có thể giúp tăng trưởng GDP toàn cầu thêm 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Hiện nay, phụ nữ sở hữu khoảng 33% tổng số doanh nghiệp trên thế giới. Nếu các doanh nghiệp này phát triển như doanh nghiệp do nam giới làm chủ, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 2 nghìn tỷ USD và tạo ra từ 288 triệu đến 433 triệu việc làm mới.
Bà Caroline T. Nyamayemobe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: “Bằng chứng cho thấy các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Việc áp dụng công cụ phát triển bền vững như chính sách mua sắm có trách nhiệm giới và Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) là một trong những lựa chọn thông minh giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt và phát triển bền vững.”
Hiện trên thế giới đã có trên 6.000 doanh nghiệp ký ủng hộ WEPs và tại Việt Nam có hơn 120 doanh nghiệp tham gia.
>> Đọc thêm: SỨ MỆNH CỦA MARIES ĐỐI VỚI MÀU XANH CỎ BÀNG
2, Maries ký cam kết Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ toàn cầu (WEPs)
Maries là thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ được ra đời và lớn lên từ địa phương xứ Huế, là tiếng nói của một và nhiều người phụ nữ khác nơi chúng tôi đang sống và sẽ lan tỏa. Cám ơn cuộc đời vì được sinh ra là một người nữ, được trao cho đặc quyền thấu hiểu, yêu thương và đồng cảm với những người nữ khác, vừa phải làm trọn vẹn vai trò của người mẹ, người vợ, người bà, vừa khao khát lao động kiếm tiền chân chính.
Công Ty TNHH MARIES đã gia nhập Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs) do UN Women và Tổ chức Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc (UN Global Compact) xây dựng từ tháng 1 năm 2024, theo đó ủng hộ các nguyên tắc và hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng với phương châm “Bình đẳng là Thịnh vượng”. Tự hào là một trong số ít doanh nghiệp địa phương sớm ký cam kết WEPs, Maries mong muốn thông qua sản phẩm thủ công truyền thống được làm từ bàn tay khéo léo của những người Phụ nữ Huế sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp đến với đông đảo khách hàng.
Maries phát triển bình đẳng giới ở nơi làm việc thông qua việc: 100% ban giám đốc, nhà đầu tư thiên thần và quản lý cấp trung là nữ, số lượng lao động nữ chiếm tới 99%, trong đó 50% là nghệ nhân nữ từ 50 tuổi, được làm việc linh hoạt tại nhà để cân bằng giữa công việc và gia đình. Mọi người đều được tiếp cận các cơ hội và nguồn lực giống nhau, cũng như nhận được thù lao như nhau cho những công việc tương đương, không phân biệt giới tính.
Maries không chỉ ủng hộ bình đẳng giới mà còn hướng tới 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trong suốt hơn 4 năm phát triển, với sứ mệnh “Nâng tầm sản phẩm thủ công truyền thống Việt”. Chúng tôi đang từng bước hoàn thiện mô hình kinh doanh xã hội sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động nữ, giữ gìn văn hóa truyền thống và kết nối làng nghề Việt với khách hàng toàn cầu.
Việc tham gia mạng lưới các doanh nghiệp ký cam kết WEPs chính là nền móng để Maries thúc đẩy các hành động bình đẳng giới, tổ chức và tham gia nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ yếu thế, tiếp tục khẳng định mục tiêu Phát triển bền vững đã đặt ra trong những năm qua.
-Maries, 17/05/2024 –