MÙA GẶT CỎ BÀNG 2024

Nơi Maries Ấp Ủ và Ước Mơ Về Những Ngôi Nhà Hạnh Phúc – Ngôi Làng Thịnh Vượng

“Con ơi, mấy ngày ni nắng dịu, chú dì chuẩn bị đi ra ruộng gặt bàng đây…”

Cuối cùng mùa gặt cỏ bàng mới cũng đã đến, giọng nói của dì Liên lanh lảnh vang lên hoà cùng tiếng cười qua điện thoại. Team Maries chúng mình đã chuẩn bị ngay những công cụ cần thiết: kịch bản, máy quay, máy ảnh và một tâm thế thật háo hức để khởi hành ngay vào sáng sớm hôm sau, với mong muốn có thể lưu lại được những khoảnh khắc thật đáng nhớ của mùa vụ mới ~ MÙA GẶT BÀNG 2024!

Gặt đúng thời điểm  phơi đủ nắng

Chắc mọi người đang thắc mắc, tại sao chú dì lại chọn những ngày nắng dịu để gặt bàng nhỉ? 😄

Đó là vì những ngày nắng không quá gay gắt sẽ giúp cho sợi bàng, sau khi được gặt và lọc ra rồi phơi từ 5 đến 6 lần dưới ánh nắng nhẹ, sẽ có màu sắc vừa đẹp và dẻo dai nhất. Trước đây bàng chỉ sử dụng để đan chiếu hay túi đi chợ thì chú dì không cần phải “canh nắng” thật kỹ càng như bây giờ, nhưng hiện tại để cho ra những thành phẩm mang tính thời trang và chất lượng như Túi xách, Nón, Ví, Mũ của Maries thì sợi bàng cần được gặt đúng thời điểmđược phơi đủ nắng.  

Chị Nguyệt con gái chú Thành kể: “Sáng ngủ dậy thấy trời đẹp, đùng cái chú đi gặt luôn, nên có vài sào (ruộng) chị không thông báo kịp cho em ra”

Vậy mới biết cứ vào độ cuối tháng 3, đầu tháng 4, mọi người trong làng đã lên sẵn “dây cót”, hễ trời đẹp thì vác gánh (để gánh bàng sau khi gặt) và liềm rồi ra đồng ngay.

Những “cây Cỏ làm nên Kinh Tế”

“Dãi nắng dầm sương, mỗi năm chỉ thu hoạch trong hai mùa gặt”

Ngồi trên xe, phóng tầm mắt từ xa nhìn tới, những sào ruộng có những cây thân vươn thẳng lên cao tầm hơn 1m5 – 2m, màu xanh đậm thì chính là ruộng bàng, những sào có màu xanh non, thấp hơn là ruộng lúa. Ở Phò Trạch từ khi những “cây Cỏ làm nên Kinh Tế”, diện tích trồng bàng đã được mở rộng từ 5-5,3ha thành 12-15ha, mỗi hộ gia đình sẽ có ít nhất từ 500m2 đến 1000m2 trồng bàng xen kẽ với trồng lúa.

Đứng trên bờ ruộng chỉ nghe được tiếng sột soạt, lội bì bõm và thân bàng lay động, phải nhìn kỹ mới thấy những bóng lưng lấp ló của chú và dì, lọt thỏm giữa “rừng bàng” cao thẳng.

Theo người dân Phò Trạch, cây cỏ bàng là loại cỏ thuộc dạng bất chấp mọi thời tiết, dù mưa gió như thế nào cũng tự tin vươn thẳng. Tuy nhiên, việc chăm sóc loài cây này không hề đơn giản. Dù việc trồng bàng đơn giản chỉ cần chiết gốc rồi trồng lại ở nơi khác mà không cần nhiều phân bón hay công chăm sóc, nhưng việc phải xử lý cỏ dại lại là một thách thức không nhỏ. Sử dụng thuốc diệt cỏ cũng không phải là giải pháp vì có thể làm hại đến cây bàng nên mọi thứ đều phải làm thủ công.
Cái cực là ở chỗ với thân bàng cao cứng và nhọn ở phần đầu, mặt và tay của chú dì rất dễ bị thương. Thêm vào đó, bàng sinh trưởng ở vùng nước trầm nên đôi khi sau những lần lội nước, chân của chú còn bị đỉa cắn, gây ra những vết sẹo ở phần mắt cá chân.

Từ ruộng về, dọc đường nhựa ở đầu mỗi thôn, lại nghe tiếng cành cạch phát ra từ những “cỗ máy đạp bàng”. Để vận hành cỗ máy này chắc phải ăn thiệt là no 😄 bởi cần đến 3 dì cùng nhau mới làm cho máy hoạt động. Chúng mình cũng đã từng nghĩ tới việc làm sao cho các dì đỡ “nhọc” hơn bằng cách chế tạo máy giã bàng chạy bằng điện nhưng ngặt nỗi nếu đưa bàng vào máy thì sợi bàng sẽ rất dễ gãy và bị xơ hơn, nên các dì vẫn “ưng” cái cối giã truyền thống này.

>> Đọc thêm: Maries Hoạt Động Cộng Đồng

Sự tiếp nối của Truyền thống và Hiện đại

Những năm gần đây, chú dì đi gặt bàng với niềm tin mới, niềm vui mới bởi Cỏ Bàng Huế đã được biết đến nhiều hơn, có Maries và nhiều đơn vị nữa đang cùng góp phần đưa những giá trị văn hoá địa phương đi xa hơn, tạo ra nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ, ứng dụng cao đến gần hơn với nhịp sống hiện đại.

Những sản phẩm thời trang như nón, túi xách, mũ, ví được làm từ cỏ bàng không chỉ là sự kết nối giữa những người trẻ đầy sáng tạo và nghề thủ công hơn 500 năm tuổi, mà còn kết nối những tâm hồn yêu nét mộc mạc của sản phẩm thủ công truyền thống, thân thiện môi trường.

>> Đọc thêm: Chuyện Maries kể | Cỏ Bàng và Hành Trình Rực Rỡ

Sản phẩm Cỏ Bàng Xứ Huế của Maries đã trải qua một hành trình dài trước khi đến tay khách hàng và đối tác. Mỗi công đoạn trong quá trình đều mang đậm tâm huyết của các nghệ nhân và đội ngũ để có thể tạo ra những sản phẩm thủ công nghệ thuật, độc đáo và chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu tự nhiên của địa phương.

Hi vọng mọi người hiểu được giá trị thực sự của từng sản phẩm cỏ bàng và những giá trị cho cộng đồng mà Maries mong muốn truyền tải. Maries cam kết sẽ luôn là cánh tay nối dài của các làng nghề truyền thống Việt, vì một cộng đồng phát triển bền vững và thịnh vượng.

Maries, 13/04/2024

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *