NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG HUẾ

Vùng đất có lịch sử lâu đời, là thủ phủ của các chúa Nguyễn, kinh đô của các triều Tây Sơn, Gia Long….Huế trở thành nơi hội tụ nhiều nghệ nhân, tinh hoa nghề của cả nước và được lưu truyền cho đến ngày nay. Có lẽ vì thế mà Huế được chọn làm nơi tổ chức Festival nghề truyền thống hai năm mỗi lần, hội tụ rất nhiều ngành nghề truyền thống trên khắp cả nước. Trong bài viết này, Maries xin điểm qua các nghề thủ công và làng nghề hiện có và vẫn đang duy trì trên đất Huế nhé

1. Chằm nón lá.

 

Nhắc đến nón lá chắc ai cũng đã từng nghe đến nón lá Huế, khá nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Ngôi làng nổi tiếng về chằm nón ở Huế đó là làng Mỹ Lam có lịch sử nghề hơn 150 năm, nằm dọc theo con sông Như ý thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang. Nếu rong ruổi dọc theo đường làng bên sông chúng ta vẫn bắt gặp khá nhiều gia đình làm nông tranh thủ lúc nhàn rồi ngồi bắt vành và chằm nón lá.

Nón Huế ngày nay đã có những bước phát triển, bên cạnh nón truyền thống được sử dụng rộng rãi bởi các bà, các mệ, các chị dùng đi chợ hàng ngày thì còn có các loại nón nghệ thuất rất đẹp dùng để chụp ảnh, trang trí nghệ thuật như

  • Nón Huế bài thơ: nón được chằm 2 lớp với hình ảnh các điểm nổi tiếng về Huế như cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, lăng tẩm, đại nội….
  • Nón lá sen: là nón nghệ thuật được tạo nên từ chất liệu lá sen
  • Nón xương lá bàng: là nón nghệ thuật được tạo nên từ chất liệu là các ngọn lá bàng rừng được xử lý bằng cách tẩy rửa đi phần diệp lục, chỉ giữ lại phần xương hay còn gọi là gân lá
  • Nón trúc chỉ: là nón nghệ thuật được tạo nên từ chất liệu là bột tre, hình thành nên các hoa văn độc đáo của Huế.
Nghề chằm nón tại Huế ( TTHue.GOV.VN )

2. Điêu khắc gỗ

 

Ở Huế hiện còn rất nhiều gia đình, nghệ nhân nghề mộc điêu khắc vẫn đang hoạt động. Làng nghề điều khắc nổi tiếng ở Huế mà ai cũng biết đó làng nghề mộc Mỹ Xuyên, thuộc huyện Phong Điền. Sản phẩm thủ công của nghề mộc điêu khắc ở Huế khá đa dạng như bàn ghế, tủ, sập ngựa (phản), tượng gỗ, khay trà… được đóng theo kiểu cũ xưa và được điêu khắc và chạm trỗ đạt đến mức độ tinh xảo. Một số sản phẩm còn được khảm xà cừ trên bề mặt, khảm xà cừ là cách sử dụng lớp vỏ óng ánh của con sò, ốc hay con trai biển để dính chặt vào bề mặt gỗ. Nếu quý khách có thời gian ghé thăm Huế và muốn chiêm ngưỡng những tác phẩm gỗ điêu khắc này thì hãy ghé Bảo Tàng Cổ Vật Cung Đình Huế để thưởng lãm nhé.

điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên
Nghề truyền thống điêu khắc tại Mỹ Xuyên, Huế

3.Gốm Phước Tích

 

Gốm cổ Phước Tích nằm ở làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Ngôi làng bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng có lịch sử hơn 500 năm hình thành. Gốm Phước Tích đã từng nổi tiếng từ thời vua Minh Mạng, sản phẩm gốm thủ công của làng được chở đi bán từ Nghệ An cho đến tận Nam Bộ và được các thương nhân tàu biển mua trên con đường giao thương từ Đông sang Tây. Hiện nay gốm Phước Tích đang gặp khá nhiều khó khăn trên con đường tìm ra hướng đi đúng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về gốm mỹ thuật của người tiêu dùng hiện nay.

 

Làng gốm phước tích Huế

 

4. Nghề Thiêu tay

 

Với sự tỉ mỉ, tinh tế của người phụ nữ Huế, sản phẩm thiêu của Huế đã đạt được sự tinh xảo vào thời thịnh trị của nhà Nguyễn. Những sản phẩm thiêu tay tinh xảo nay vẫn còn được trưng bày ở Bảo Tàng Cổ Vật Cung Đình Huế.

Hiện nay, nghề thiêu ở Huế đang có những bước phát triển trở lại nhờ vào sự phát triển văn hóa, du lịch và chính sách bảo tổn các giá trị truyền thống Huế. Các bộ sưu tập áo dài với tác phẩm thiêu tay và các tác phẩm nghệ thuật thiêu đã được trình diễn trong các kỳ festival lễ hội văn hóa là một mình chứng cho điều này.

5. Làng Nghề Đúc Đồng

 

Đây là một trong số ít những làng nghề hiện vẫn còn hoạt động nhộn nhịp trên đất Cố Đô. Lịch sử của nghề đúc đồng có thời chúa Nguyễn từ đàng ngoài vào đang trong mở đất. Công cuộc khai hoang cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, sự giao thoa văn hóa với các quốc gia khác đã hình thành nên nghề đúc đồng. Nếu ai đã từng đến thăm Huế, đến thăm Đại Nội và lăng tẩm vua Nguyễn sẽ thấy có khá nhiều các vạc đồng, lư hương, dụng cụ được đúc bằng đồng rất tinh xảo.

Ngày nay, làng nghề này khá nhộn nhịp với các sản phẩm chuông đồng và tượng đồng được sử dụng trong Phật giáo.

 

Nghề đúc đồng tại Phường Đúc Huế

6. Nghề Làm Diều Huế

 

Nghề làm diều ở Huế đã ra đời ít nhất trên 300 năm, ban đầu là trò chơi tinh nghịch của những mục đồng rồi dần người lớn cũng nhập cuộc. Diều Huế đã xuất hiện trong các lễ hội dân gian cho đến lễ Tết của triều đình nhà Nguyễn. Ngày này thả diều không chỉ là bộ môn thể thao mà còn là thú chơi tiêu khiển lành mạnh mang tính văn hóa nghệ thuật sáng tạo. Nhiều người đã gọi bộ môn này là “múa rối trên không”, quả không sai bởi để điều khiển các con diều lớn và nặng uốn lươn trên bầu trời đòi hỏi sự sáng tạo trong thiết kế và trình diễn diều. Tính kế thừa được thể hiện khi ở Huế đã hình thành các câu lâu bộ diều nghệ thuật đi tham gia các lễ hội diều trong nước và cả đi biểu diễn ở nước ngoài, trở thành trò chơi phổ biến mỗi ngày hè của hầu hết trẻ em ở Huế.

 

 

7. Đèn Lồng Huế

 

Ngày nay khi nhắc đến đèn lồng chắc không ít người nghĩ ngay đến đèn lồng Hội An. Tuy nhiên ít ai biết rằng từ xa xưa, đền lồng ở Huế đã xuất hiện trong các dịp lễ hội cung đình, lễ hội rằm Trung Thu, lễ Phật đản….Đèn lồng ở Huế rất phong phú và đa dạng về màu sắc và kiểu dáng, có thể kể đến như đèn trái ú có tám mặt, đèn hoa sen có tám cánh, đèn ngôi sao năm cánh….độc đáo nhất là đèn kéo quân hình lục giác có trục xoay ở giữa, nhờ vào sức nóng được đốt lên từ đèn cầy bên trong sẽ giúp sáu mặt đèn xoay quanh điều đặn. Hiện nay đèn Huế được bán đi khắp đất nước và cả xuất khẩu đi nước ngoài, dùng làm trang trí nhà hoặc các cơ sở nghệ thuật.

 

8. Làng Đan Lát Tre Bao La

 

Làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, được hình thành từ thời chúa Nguyễn. Sản phẩm thủ công từ xưa của làng là rổ, rá, cái nia, cái nong, chõng tre, nôi trẻ em…Ngày nay làng Bao La đang chuyển mình, cùng với nhu cầu sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, làng đã hình thành nên hợp tác xã tập trung vào sản xuất các sản phẩm trang trí và lồng đèn bằng tre, nhận được khá nhiều hợp đồng của các đơn vị kinh doanh hàng thủ công và các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ có nhu cầu trang trí sản phẩm bằng tre.

 

9. Làng Đan Lát Cỏ Bàng Phò Trạch

 

Nghề đan Cỏ Bàng có lịch sử hơn 500 năm. Từ thuở xưa người dân vùng Bình Trị Thiên đã khá quen với chiếc chiếu, chiếc chẹ, cái giỏ đi chợ và chiếc mũ làm cây Cỏ Bàng ở làng Phò Trạch, huyện Phong Điền. Đứng trước nguy cơ mất đi nghề truyền thống, những doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm với xã hội đã nảy sinh nhiều ý tưởng để tạo nên các sản phẩm có giá trị hơn, đồng thời giúp làng giữ được nghề và các nghệ nhân truyền thống. Với những sứ mệnh bảo tổn và phát triển nghề truyền thống, công ty Maries một trong số ít các công ty đã mạnh dạn đầu từ đội ngũ kỹ thuật, họa sĩ và thiết kế để biến những sản phẩm thô mộc trở thành những sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng và thỏa mãn xu hướng thời trang của khách hàng. Cùng với sự hỗ trợ và làm việc chung cùng nông dân, nghệ nhân của làng, làng đang lát Cỏ Bàng Phò Trạch đang được từng bước hồi sinh, nghề truyền thống Cỏ Bàng đang có cơ hội để phát triển, người dân có việc làm và thu nhập điều đặn từ nghề truyền thống quê hương mình.

Ngoài những nghề và làng nghề kể trên ở Huế còn các nghề thủ công truyền thống khác như

  • Nghề làm phấn nụ: làm phấn trang điểm cho hoàng hậu, cung tần mỹ nữ trong hoàng cung ngày xưa. Đến nay nghề này vẫn còn duy trì với quy mô nhỏ ở các hộ gia đình nằm sâu trong các con hẻm nhỏ của nội thành Huế.
  • Nghề làm hoa giấy ở Làng hoa giấy Thanh Tiên và nghề vẽ tranh dân gian trên giấy gió ở làng Sình, thuộc xã Phú Mẫu, thành phố Huế.
  • Nghề làm hương hay nhang từ tinh dầu cây trầm gió ở làng hương Thủy Xuân. Đến nay làng không chỉ làm những sản phẩm hương, nhang, trầm nụ, vòng trầm đeo tay mà còn nấu tinh dầu trầm
  • Nghề làm pháp lam, là một nghề thủ công độc đáo. Sản phẩm pháp làm là các bức phù điêu, tranh trang trí được làm từ đồng và được tráng men trên bề mặt. Ngày xưa sản phẩm pháp lam chủ yếu là để phục vụ trong cung đình và biệt phủ lớn. Hiện nay pháp lam vẫn còn được sản xuất và phục chế các sản phẩm xưa, đồng thời phát triên thêm các loại đèn pháp lam và phù điêu trang trí trong nhà.
  • Nghề thếp vàng, sơn mài: Nếu quý khách đã từng đến tham quan cung điện, lăng tẩm ở Huế thì sẽ thấy nội thất của các nơi này được trang trí phủ vàng và các bức tranh sơn mài. Đây chính là công việc tỉ mĩ của các nghệ nhân truyền thống Huế. Hiện nay nghề thủ công độc đáo này hầu như chỉ còn tồn tài trên đất Huế, nơi chủ nhân của nhiều ngôi nhà rường truyền thống vẫn thích bảo tồn và trang trí bằng các kỹ thuật truyền thống độc đáo riêng có ở Huế này.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *