Nhộn Nhịp “Vị Tết” Với Các Làng Nghề Truyền Thống Trăm Năm Tuổi Xứ Huế
Những ngành nghề truyền thống thường gắn liền với các hoạt động đời sống thường ngày hay tín ngưỡng văn hoá của người dân.
Khi đến du lịch Huế, những ai yêu thích khám phá văn hóa, phong tục, tập quán cổ truyền chắc chắn không thể bỏ qua việc thăm quan các làng nghề truyền thống tại địa phương này. Đặc biệt, trong những dịp Tết đến Xuân về, các làng nghề trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Thời kỳ này là cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm không khí Tết truyền thống và tham gia vào những hoạt động đặc sắc của cộng đồng. Việc khám phá những làng nghề vào thời điểm này không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về sự đa dạng và sâu sắc của văn hóa dân Huế.
1, Nghề làm ông Công ông Táo
Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian người Việt có nhiệm vụ trông coi và cai quản việc bếp núc trong gia đình. Theo tục lệ, mỗi năm từ sáng sớm đến 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, người dân sẽ làm mâm cỗ tiễn ông Công ông Táo về Trời để báo cáo những việc đã xảy ra trong năm vừa qua. Hương vị Tết được cảm nhận rõ nét là khi nhà nhà tất bật cúng tiễn ông Táo “cũ” và chuẩn bị “rước” ông Táo mới về căn bếp nhà mình.
Làng Địa Linh – Ngôi làng tại xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế là làng nghề duy nhất còn sót lại ở Huế làm nghề nặn tượng ông Táo bằng phương pháp thủ công phục vụ Tết, được gìn giữ qua bao thế hệ con cháu.
Theo truyền thống lưu truyền từ những thời kỳ Nguyễn, nhà vua đã cho xây dựng một xưởng làm gạch tại làng, mang tên “Nê ngõa tượng cục”, sau đổi thành tên gọi “Địa Linh” bởi vua nhận thấy chất lượng đất ở ngôi làng này rất tốt. Về sau, do thấy nguồn đất sét vừa chất lượng vừa dồi dào nên người dân đã tận dụng để nặn tượng thờ ông Táo. Sự kế thừa và duy trì nghề truyền thống này đã giữ vững không chỉ nghệ thuật mà còn là văn hóa tâm linh, làm phong phú thêm đặc sản văn hóa của vùng đất Cố Đô.
Tượng ông Táo có nhiều loại, nổi bật nhất là loại được tô màu, rắc kim tuyến. Ngoài ra cũng có những bức tượng ông Táo được trang trí đơn giản hơn bằng việc quét qua một lớp sơn màu cánh gián…
2, Hoa giấy Thanh Tiên
Từ đời xưa, do vùng đất miền Trung có khí hậu khắc nghiệt, khó có thể gìn giữ hoa tươi trong việc thờ cúng nên người dân đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên từ giấy đủ sắc màu, trông vô cùng sống động, tươi tắn và rực rỡ.
Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trọng tôn trí ở những nơi như Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và Ông táo. Hàng năm thay thế một lần vào Tết nguyên Đán, hoa mới được thay thế, hoa cũ hạ xuống “Duống” và đốt đi gọi là “Tẩu.”
Mỗi độ Tết đến Xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên (thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế) lại trở nên tất bật hơn để mang những sản phẩm hoa giấy độc đáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân Huế. Là một địa danh nổi tiếng về nghề làm hoa giấy thờ cúng, đặc biệt là hoa Sen và nghề làm hoa đã xuất hiện cách đây hơn 300 năm.
Hoa giấy nhìn bề ngoài tuy đơn giản nhưng mỗi bông hoa khác nhau lại chuyển tải những lý thuyết Nho học của người phương Đông. Mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên bao giờ cũng có 8 hoa chính. Ba cành hoa ở giữa tượng trưng là Quân-Sư-Phụ cũng có thể là Thiên-Địa-Nhân hoặc Trung-Hiếu-Nghĩa. Đặc biệt, luôn luôn có một bông hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho mặt trời, đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín.
Hiện nay hoa giấy thanh tiên không chỉ phục vụ cho mục đích thờ cúng, mà còn được sử dụng trong trang trí không gian cửa hàng, quán ăn, café để mang vị tết đến gần với khách hàng và còn góp phần lan toả giá trị văn hoá làng nghề truyền thống tốt đẹp đến gần hơn với khách du lịch khi ghé thăm xứ Huế.
>> Xem thêm: Món quà quý từ những làng nghề truyền thống Huế
3, Làng hương Thuỷ Xuân
Cách trung tâm thành phố Huế 7km về hướng Tây Nam, làng hương Thủy Xuân nằm giấu mình dưới chân đồi Vọng Cảnh, bên bờ dòng Hương Giang êm đềm. Vào độ Tết đến xuân về, các dì nghệ nhân lại càng hăng say sản xuất nén hương trầm cả ngày lẫn đêm, có khi từ đầu tháng 10, để phục vụ kịp cho người dân trên mọi miền tổ quốc.
Hương trong tâm thức người Việt thường được xem là biểu tượng của sự tưởng nhớ về tổ tiên và nguồn cội, đặc biệt là trong những ngày Tết Nguyên đán. Vì thế, dù trải qua bao biến động của lịch sử, mỗi thế hệ tiếp theo vẫn tiếp nối và phát triển nghề làm hương truyền thống mà cha ông đã dày công gìn giữ.
Ngày nay, Thủy Xuân đã trở thành làng hương lớn nhất ở xứ Huế. Trong bối cảnh của sự hiện đại ngày nay, làng hương Thủy Xuân vẫn giữ vững bản sắc riêng và ngày càng để lại dấu ấn khó phai trong trái tim của du khách đến thăm xứ Huế.
4, Làng ngũ sắc Kim Long
Làng Kim Long, Huế, nơi được xem là cái nôi của loại bánh cung đình độc đáo này. Bánh được bọc và gói trong những lớp giấy bóng năm màu (cam, xanh, đỏ, hồng, vàng) đẹp mắt với đa dạng chủng loại như: bánh in bột đậu xanh, bánh in bột huỳnh tinh, bánh in bột nếp, bánh in bột đậu ván, bánh in bột đậu quyên, bánh in hạt sen trần… Nhưng được ưa chuộng và phổ biến nhất vẫn là loại bánh in bột đậu xanh chữ Thọ.
Bà Nguyễn Thị Kim Long (phường Kim Long, TP Huế): “Bánh in đã có từ thời nhà Nguyễn. Tương truyền, cách đây mấy trăm năm, cũng vào dịp xuân về, khi vua Triều Nguyễn đang thưởng trà thì chợt cảm thấy thiếu thiếu vị gì đó. Đương lúc có các bô lão làng Kim Long đứng bên hầu, vua liền lệnh cho các ngài ấy về phải làm được thứ gì đó để uống kèm với trà. Vậy là món bánh in “tiến vua” đơn giản được làm từ bột đậu xanh và đường được ra đời từ ngày đấy”.
Ngay từ đầu tháng 9 âm lịch những cơ sở sản xuất bánh in đã bắt đầu “đỏ lửa” để có thể đáp ứng số lượng lớn bánh ngũ sắc (hay còn gọi là bánh in, bánh cộ) bán trong những ngày giáp Tết.
5, Làng nghề Tranh Làng Sình
Tranh làng Sình – dòng tranh thờ cúng với hơn 400 năm tuổi là di sản văn hóa cần được gìn giữ của dân tộc Việt Nam. Ngôi làng tranh nổi tiếng nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km.
Làng Sình làm tranh mộc bản cổ truyền để thờ cúng và phục vụ cho các nhu cầu tín ngưỡng, cầu an, giải hạn. Tranh Sình có khoảng 50 đề tài, chủ yếu phản ánh cảnh sinh hoạt xã hội và các tín ngưỡng cổ xưa. Tranh từ mộc bản thường có trong các dịp lễ tết hoặc cúng bái. Sau khi cúng xong thì tranh sẽ được đem đi đốt để hóa cho tổ tiên.
6, Làng nghề đan Đệm Bàng Huế
Làng nghề tồn tại hơn 500 năm tuổi với bàn tay người phụ nữ Huế mềm mại, khéo léo đan từng chiếc chiếu chẹ, từng chiếc túi, nón, ngày ngày “giữ lửa” cho làng nghề ngày một âm ỉ cháy trong dòng chảy thời gian.
Người dân truyền tai kể nhau nghe: Ngày xưa, những người con gái làng khác đến làng làm dâu phải học đan lát. Con gái trong làng đi lấy chồng ở đâu cũng mang “cái nghề làng” đi theo. Đến nay, những nghệ nhân nhà ở làng nghề truyền thống này hầu như chỉ là những con gái, những dâu làng ngày ấy. Nay đã là cụ, là bà, là mẹ. Họ vẫn từng ngày, từng giờ bám nghề, yêu nghề truyền thống quê nhà.
Những năm gần đây, làng nghề Đệm Bàng dần nhộn nhịp hơn vào những tháng giáp Tết, bởi sản phẩm từ làng nghề nay được thiết kế hiện đại hơn, phục vụ nhu cầu Du Xuân của các cô gái hiện đại, yêu thời trang xanh.
>> Quà tặng cao cấp từ Sợi Cỏ Bàng Xứ Huế
Maries 26/01/2024