Nghề làm nón ở Huế có bề dày lịch sử từ lâu đời, với các làng nghề nổi tiếng ở nhiều địa điểm khác nhau, như Tây Hồ – Xã Phú Hồ, Mỹ Lam – Xã Phú Mỹ, huyện Phú vang, Phú Cam, Phước Vĩnh, Đốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ.
- CÓ ĐÁNG THỬ MỘT LẦN SỐNG TỐI GIẢN?
- MARIES VÀ CÂU CHUYỆN CỎ BÀNG XỨ HUẾ
- VIẾT CHO NGÀY SEN XỨ HUẾ
- NGHỀ DỆT ZÈNG – THỔ CẨM GẤM HOA
Hằng năm, Huế sản xuất thủ công hàng triệu chiếc nón lá phục vụ cho mục đích dân dụng và du lịch. Bên cạnh các loại nón lá đã quá nổi tiếng ở Huế như nón lá kè, lá dừa, lá cọ, lá sen,… Chiếc nón lá bàng tinh khôi, trong trẻo là điểm chấm phá độc đáo giữa lòng Cố Đô, là một sản phẩm sáng tạo mới. Người nghệ nhân phải mất nhiều công sức, thời gian, sự cẩn trọng, tỉ mỉ mới làm ra được.
Chú Hùng là cái tên rất đỗi thân thương gắn liền với sự ra đời của chiếc nón lá bàng. Chú tâm sự rằng ban đầu chú chỉ tập trung vào sản phẩm “gân lá” độc lạ vì đam mê, vì thấy được cái tinh sâu mà lắng nhẹ của thiên nhiên. Sau đó, chú hạ quyết tâm mình phải thêm một chút gì đó đặc sắc cho Huế.
Sau sáu tháng dày công nghiên cứu, chiếc nón lá bàng đã chính thức bước ra đời thực. Nét quyến rũ, mỏng manh, tinh tế của những gân lá từ đỉnh đến đuôi nón đủ để thu hút mọi ánh nhìn. Theo chú, ưu điểm giúp lá bàng ghi điểm tuyệt đối bên cạnh những loại lá khác là sau khi xử lý xong, xương lá bàng được phô diễn rất rõ nét, sắp xếp có trật tự và kích thước đồng đều.
Một chiếc lá bàng có thể đi dọc hết chiều dài của nón mà không cần phải nối lá như những loại khác. Vậy nên bố cục của nón được phân bổ đẹp mắt, nét đối xứng phù hợp.
Xử lý lá bàng
Để làm ra một chiếc nón lá Bàng, người nghệ nhân phải trải qua tất cả các công đoạn với sự khéo léo và tinh ý.
Cứ mỗi tháng Ba, là chú phải lặn lội đến vùng rừng, quanh suối ở Bình Điền để thu hoạch lá. Lý do là vì thời điểm này ít mưa gió, ít rắn rết, sâu bọ, lá hái được sẽ rất trơn và đẹp. Ban đầu thì chú tự mình đi thu hoạch lá, sau chú phải thuê thêm người để phụ hái lá. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chọn lá để ngắt, bởi khi hái lá bàng rừng, phải chọn lá không bị sâu, đủ độ già, dày, cứng, phải đủ độ dài của chiếc nón. Nếu lá chưa “đủ tuổi” thì khi xử lý làm xương lá, sẽ dễ bị rách, gân không đồng đều và thành phẩm sẽ kém chất lượng, không bền và dĩ nhiên, độ thẩm mỹ sẽ bị giảm sút.
Lá bàng đạt tiêu chuẩn sẽ được ngâm trong dung dịch Baking Soda, nấu đến 420 độ. Lúc này Baking Soda chuyển thành Washing Soda, nấu trong vòng 90 phút nữa. Công đoạn này rất quan trọng vì sẽ giúp lá bàng có mùi thiên nhiên dễ chịu. Nếu không xử lý nấu trong Washing Soda thì thành phẩm sau này sẽ có mùi khó chịu.
Sau khi nấu xong, lá bàng được tiếp tục ngâm trong dung dịch Washing soda trong vòng 1 tháng rưỡi nữa thì vớt ra, tiến hành chải diệp lục. Khi chải người nghệ nhân phải chải nhẹ nhàng, tỉ mỉ, cẩn thận không thì lá sẽ dễ bị rách.
Chiếc nón lá bàng thành phẩm mang nét hư ảo, tinh khôi hiếm có, được du khách khắp nơi đón nhận. Chú Hùng không những đã mang đến một sản phẩm sáng tạo mới cho Huế, mà thông qua chiếc nón, còn thể hiện khao khát của người nghệ nhân mong muốn thổi một làn gió tinh hoa tươi mát của mình vào làng nghề truyền thống xứ Huế.
Maries thật sự cảm thấy hạnh phúc vì thêm một đứa “con cưng” của làng nghề làm nón xứ Huế đã chạm đến trái tim của người yêu Huế, yêu làng nghề xứ Huế.
Theo Maries